quang

Search

Search IconIcon to open search

Zettelkasten

Last updated Mar 2020 Edit Source

# Niklas Luhmann

Niklas Luhmann là một trong những nhà xã hội học quan trọng nhất thế kỷ 20. Trong suốt 40 năm làm việc, ông xuất bản hơn 70 cuốn sách và hơn 400 bài viết.

Làm sao ông ấy có thể viết nhiều đến như vậy, dù chỉ sử dụng giấy, bút và một cái máy đánh chữ?

Tôi không tự mình nghĩ ra mọi thứ. Tôi làm việc năng suất chủ yếu là nhờ phương pháp Zettelkasten.
— Niklas Luhmann

Zettelkasten của Luhmann

# Zettelkasten

Zettelkasten nghĩa là một cái hộp đựng những tờ giấy ghi chú. Nó là một hệ thống quản lý kiến thức.

Các phương pháp ghi chép truyền thống như viết vào tập, viết vào lề sách, viết vào app, hay viết vào các văn bản Word và sắp xếp bằng thư mục đều có một điểm yếu chung là chúng không giúp chúng ta tìm ra sự liên kết giữa các thông tin. Thậm chí, chúng ta thường thích sưu tầm thông tin, song sau đó ít khi xem lại.

Phương pháp biểu đồ tư duy có thể giúp thể hiện những mối liên kết đó, nhưng chúng bị hạn chế về số lượng. Rõ ràng ta không thể đưa 1000 ý tưởng vào một bản đồ tư duy được. Nhưng Luhmann thì có tới 90,000 tờ giấy ghi chú trong Zettelkasten.

Bản thân việc phân loại cũng là một điểm yếu khác của các phương pháp truyền thống. Thứ nhất, khi các thông tin được sắp xếp vào các thư mục khác nhau, rất khó để chúng ta liên kết chúng lại. Thứ hai, đôi khi một thứ có thể thuộc về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ghi chép của Luhmann

Zettelkasten không sử dụng thư mục, cũng không phân loại theo cách truyền thống. Nó là một tập hợp các ghi chú được gắn thẻ (tag) và liên kết với nhau (link). Mỗi ghi chép được gắn một số định danh duy nhất để tiện tham khảo, ví dụ 202003161242 (năm 2020 tháng 03 ngày 16 12 giờ 42 phút).

Như vậy, từ một tag ta có rất nhiều tài liệu khác nhau về cùng một chủ đề, và từ các link ta thấy được mối liên kết giữa các thông tin. Bằng cách này ta có thể xây dựng một mạng lưới thông tin, hệt như Internet vậy, nhưng là một Internet cá nhân. Tag và link là hai yếu tố quan trọng của một Zettelkasten.

Zettelkasten như một thực thể sống. Mỗi thông tin thêm vào chính là thức ăn để nuôi dưỡng nó. Tạo càng nhiều liên kết, nó lại càng thông minh.

# Tại sao dùng Zettelkasten

Zettelkasten là hệ thống dùng cả đời. Càng lớn càng hữu ích.

Sau này, khi cần trả lời một câu hỏi, ta có thể khám phá mạng lưới dày đặc trong Zettelkasten, đi từ ghi chép này qua ghi chép khác (kể cả những ghi chép đã thêm vào từ nhiều năm trước) qua các liên kết. Kết quả là ta có thể tìm thấy những câu trả lời giàu tính sáng tạo.

Đọc nhiều không có nghĩa là biết nhiều. Phải ghi chép, và có một hệ thống để quản lý những ghi chép đó. Nếu không, sau vài năm chúng ta thậm chí còn không nhớ đã từng đọc cái gì.

Đọc. Ghi chép. Xử lý những ghi chép đó và đưa vào Zettelkasten. Như vậy, việc đọc có một mục đích rõ ràng hơn: nuôi Zettelkasten bằng thông tin mới, để nó trở thành một bộ não thứ hai mạnh mẽ.

Thói quen ghi chép vào Zettelkasten sẽ cho chúng ta một qui trình xử lý thông tin hiệu quả, giúp loại bỏ những vướng mắc như “cần ghi chép cái gì”, “lưu ghi chép vào đâu”, hoặc “bước tiếp theo là gì”.

# Quy tắc sử dụng Zettelkasten

Nguyên tắc nguyên tử: mỗi ghi chép chỉ nên chứa một ý.

Nguyên tắc độc lập: mỗi ghi chép tự nó phải có nghĩa, không phụ thuộc vào ghi chép khác, ngay cả khi bị mất nguồn.

Luôn liên kết: khi thêm ghi chép mới phải liên kết nó với những ghi chép có sẵn; chất lượng của mỗi ghi chép nằm ở sự liên kết giữa nó với những ghi chép khác.

Giải thích lý do liên kết: khi tạo liên kết, giải thích mối quan hệ đó một cách ngắn gọn để tránh quên về sau.

Ghi chép theo cách hiểu của mình: phải ghi chép bằng chính ngôn từ của mình, tuyệt đối không chép dán.

Giữ nguồn: ghi lại nguồn tài liệu gốc.

Thêm ý nghĩ cá nhân: mỗi ý tưởng là một ghi chép riêng, có gắn tag và link tương tự như các ghi chép thông thường.

Đừng lo lắng về cấu trúc: không cần tạo thư mục hay phân loại; Zettelkasten phát triển một cách hữu cơ.

Tạo ghi chép liên kết: khi nhận ra mối liên hệ giữa các ghi chép, nên tạo một bản ghi chép riêng chứa các link đó và giải thích mối liên hệ giữa chúng.

Tạo ghi chép dàn ý: khi chủ đề (theme) bắt đầu hình thành từ các ý tưởng, nên tạo một ghi chép trong đó các liên kết được sắp xếp thành một dàn bài cho một mục đích nhất định.

Không xoá ghi chép cũ: thay vào đó, tạo ghi chép mới, liên kết nó với ghi chép cũ và giải thích cái sai của ghi chép cũ.

Đừng lo thừa mứa: càng nhiều ghi chép thì bộ não thứ hai này sẽ càng thông minh.

# Sử dụng Zettelkasten

Phương tiện sử dụng không quan trọng, dù đó là cách truyền thống (giấy bút và hộp) hay hiện đại (app trên di động và máy tính). Quan trọng là việc áp dụng các nguyên tắc một cách hiệu quả. Nếu sử dụng công nghệ, nên ưu tiên những app giúp tạo tag và link một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, áp dụng không có nghĩa là lấy nguyên xi một hệ thống của người khác. Zettelkasten là một hệ thống quản lý kiến thức, kiểu như một cơ sở dữ liệu hoặc mạng internet. Do mỗi người có một thói quen làm việc riêng và đặc thù công việc khác nhau, Zettelkasten cũng phải được áp dụng linh hoạt, không cứng nhắc.

# Tham khảo


Interactive Graph