quang

Search

Search IconIcon to open search

Học 500 từ vựng trong 30 ngày

Last updated May 2020 Edit Source

Dài quá hổng đọc: Cách tốt nhất để ghi nhớ kiến thức là ôn lại nó khi sắp quên. Để làm điều này, bạn nên sử dụng một hệ thống có khả năng tính toán lần ôn tập tiếp theo một cách khoa học nhất. Anki là một app có thể giúp bạn làm điều đó. Xem một số hướng dẫn ở cuối bài.


Lượng từ vựng cần có để hiểu được tiếng Anh tự nhiên (không bị đơn giản hoá) là khoảng 8000 từ, theo Norbert Schmitt, University of Nottingham, UK.

Giả sử bạn học được 30 từ trong một tuần, thì sẽ mất 5 năm để học được từng ấy. Đó là chưa kể thời gian ôn tập: chúng ta phải ôn lại khoảng 10 đến 16 lần cho mỗi từ thì mới nhớ được vĩnh viễn (theo nghiên cứu của Zahar R, Cobb T và Spada N năm 2001). Học theo lối truyền thống khó có thể cho bạn ngần ấy cơ hội ôn tập.

# Hiệu ứng giãn cách

Hiệu ứng giãn cách được Herman Ebbinghaus, nhà tâm lý học người Đức, phát hiện và công bố trong cuốn sách về trí nhớ con người năm 1885. Ebbinghaus nhận thấy rằng khi một người không chủ động lưu giữ thông tin trong não bộ thì chúng sẽ tiêu biến dần. Chỉ sau vài ngày, chúng ta sẽ quên mất hơn một nửa lượng thông tin đã học. Nói cách khác thì thông tin bắt đầu “rơi rụng” khỏi não khi bạn đi bộ từ lớp học đến bãi đậu xe. Ebbinghaus gọi đây là đường cong quên lãng (forgetting curve): chỉ trong vài ba ngày, kiến thức đã học sẽ bị mai một.

Hình lấy từ growthengineering.co.uk

Theo Ebbinghaus, để thoát khỏi đường cong quên lãng, chúng ta cần ôn lại thông tin đã học. Những thời điểm ôn tập này nên được dàn trải theo thời gian. Ebbinghaus gọi đó là hiệu ứng giãn cách: càng về sau, các lần ôn tập nên được giãn cách nhau xa hơn; thí dụ, nếu lần ôn tập thứ ba cách lần thứ hai 3 ngày, thì lần ôn tập thứ tư nên cách lần ôn tập thứ năm 6 ngày.

Não bộ ghi nhớ tốt những thông tin mà nó cho là quan trọng. Ví dụ, bạn không thể quên sinh nhật của crush. Bằng cách tăng khoảng cách giữa các lần ôn, chúng ta bắt bộ não gọi ra thông tin cũ vào đúng thời điểm mà chúng ta sắp quên nó. Qua đó, bộ não nhận thấy rằng đây là một thông tin quan trọng (liên kết thần kinh mạnh hơn, vững bền hơn), và trí nhớ về nó sẽ được củng cố.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc học sẽ hiệu quả hơn khi người học khám phá một chủ đề trong nhiều phiên học giãn cách, so với khi họ phải học cùng chủ đề đó trong một phiên học duy nhất mà không có các quãng nghỉ xen giữa. Thí nghiệm trên động vật cũng xác nhận hiệu ứng giãn cách, đặc biệt là trong việc hình thành thói quen, tạo phản xạ có điều kiện, xây dựng kỹ năng tìm đường đi và các kỹ năng vận động.

# SRS – Spaced Repetition System

Vậy chúng ta sẽ áp dụng hiệu ứng giãn cách vào việc học như thế nào? Tất nhiên là chương trình ở trường học đòi hỏi bạn phải học nhiều môn cùng một lúc. Việc phải quản lý tất cả các môn học bằng ôn tập giãn cách sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải. Đó là lý do tại sao bạn phải cảm thấy may mắn khi được sinh ra vào thời đại số: ngày nay có khá nhiều ứng dụng máy tính giúp bạn sắp xếp thời điểm ôn bài. Chúng là những Hệ thống Ôn tập Giãn cách – Spaced Repetition System, hay SRS.

Hai nhóm sử dụng SRS nhiều nhất gồm sinh viên ngành Y và những người học ngôn ngữ. Vì tính chất của hai lĩnh vực này yêu cầu họ phải ghi nhớ một lượng thông tin lớn, nên SRS trở thành một công cụ không thể thiếu.

Việc sử dụng các hệ thống ôn tập giãn cách đã thay đổi đời tôi. Thay vì ghi nhớ một cách lung tung và tuỳ hứng, bây giờ tôi ghi nhớ thông tin một cách chủ động và hiệu quả cao. — Michael Nielsen

SRS cũng đã được ứng dụng vào lớp học. Một bài viết trên tờ NYTimes miêu tả nó như sau: thay vì tập trung học một chủ đề nhất định trong một buổi học riêng lẻ, ví dụ thứ Ba đọc bài về Nội chiến, còn thứ Sáu đọc bài về Thời kỳ Tái thiết, học sinh sẽ gặp lại chủ đề đã học trong những buổi học ngắn hơn, được giàn trải sau đó, tức là gặp lại các thông tin liên quan đến Nội chiến và Thời kỳ Tái thiết trong suốt một học kỳ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học California-San Francisco cho biết, học sinh lớp 8, khi sử dụng phương pháp giãn cách để học môn Lịch sử, đã có thể nhớ tốt gần gấp hai lần so với những học sinh học theo cách truyền thống.

Vậy những ứng dụng SRS được nhắc đến ở trên là gì? Những cái tên phổ biến nhất bao gồm SuperMemo, Anki, Memrise, hay Quizlet. Tôi dùng Anki Flashcards vì những lí do sau:

# Ứng dụng Anki

Cũng như các ứng dụng SRS khác, Anki sử dụng thẻ học (flashcards) để quản lý kiến thức. Cách học với Anki rất đơn giản: đầu tiên, bạn cần tạo các thẻ học; sau đó, bạn sẽ học bằng cách nhìn mặt trước của thẻ và cố gắng nhớ được mặt sau; cuối cùng, bạn sẽ đánh giá độ khó của thẻ để Anki có thể sắp xếp lần ôn tập tiếp theo một cách hợp lý nhất.

Ở hình dưới, bạn có thể thấy một thẻ học tiếng Anh. Sau khi xem từ vựng ở mặt trước (vigorous) và học nghĩa ở mặt sau (strong and healthy), bạn sẽ đánh giá độ khó của thẻ (hay nói cách khác là mức độ nhớ của bạn): Again, Good, Easy. Tương ứng với các độ khó đó là khoảng cách đến lần ôn tập tiếp theo: 1 phút, 1 ngày, và 4 ngày. Lần sau gặp lại thẻ này, nếu bạn bấm Good, thì lần ôn tập tiếp theo sẽ được đẩy ra xa hơn. Còn nếu bạn bấm Again thì Anki sẽ sắp xếp lần ôn tập tiếp theo gần hơn, buộc chúng ta phải học lại từ vigorous một cách nghiêm túc. Với một hệ thống như vậy, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, và cảm thấy yên tâm rằng lượng kiến thức sẽ dần được củng cố.

Một kiểu thẻ học tối giản (bạn có thể thêm hình ảnh, âm thanh tuỳ thích)

Một khi bạn đã nắm cách sử dụng Anki, bạn có thể ứng dụng nó vào các môn học để hỗ trợ trí nhớ. Một số môn, ví dụ như môn Toán, sẽ khó áp dụng hơn, nhưng bạn nên nhớ một điều cơ bản: không hiểu vẫn có thể nhớ được, nhưng không nhớ thì không thể hiểu được. Có người nói, nếu bạn muốn thực sự cảm thụ được một bài thơ, trước hết hãy học thuộc nó đã. Đối với sinh viên ngành Y thì Anki thực sự là một giải pháp tuyệt vời. Đã có rất nhiều sinh viên Y trên thế giới sử dụng Anki, và đặc biệt có những người còn làm sẵn những bộ thẻ để giúp nhau học, nổi bật nhất là bộ Brosencephalon.com — Brosencephalon Flashcard Decks & Collections và bộ Zanki (Original): medicalschoolanki.

Một số ví dụ thực tế về ứng dụng của Anki:

# Một vài hướng dẫn

# Đọc thêm

  1. Learning How to Learn – Alistair McConville, Barbara Oakley, and Terry Sejnowski
  2. Ebbinghaus HE (1885) Memory: A Contribution to Experimental Psychology
  3. The Spacing Effect for Structural Synaptic Plasticity Provides Specificity and Precision in Plastic Changes
  4. Spaced Repetition & Darwin’s Golden Rule

Interactive Graph