quang

Search

Search IconIcon to open search

Metalearning

Last updated Aug 2020 Edit Source

# Meta-learning là gì

Tiền tố meta thường được dịch là “siêu”, ví dụ như metacognition là siêu nhận thức. Một cách dịch khác: meta-X nghĩa là “X về X”, ví dụ metacognition có thể hiểu là tư duy về tư duy. Ở đây ta có thể hiểu metalearning là học cách học. Cụ thể hơn, metalearning là quá trình trong đó:

Tự đánh giá: Bạn hãy thử lấy một tờ giấy trắng và viết những gì bạn biết về năm điều trên. Hoặc trả lời những câu hỏi sau:

  1. Bạn có biết bộ não của bạn tiếp nhận, xử lý, lưu trữ thông tin như thế nào không?
  2. Bạn có biết bộ não biến trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn như thế nào không? (Điều này sẽ có ích cho bạn trong việc thi cử)
  3. Theo bạn, “học” có nghĩa là gì? Kết quả của việc “học” là gì?
  4. Những yếu tố môi trường nào có thể ảnh hưởng đến việc học?
  5. Bạn có biết những phương pháp hay kĩ thuật nào giúp bạn học tốt hơn?
  6. Khi gặp khó khăn trong việc học, bạn có suy ngẫm thật thấu đáo về cách học và môi trường học của cá nhân hay không? Cụ thể là bạn có ngồi xuống và liệt kê chúng ra trên giấy hay không? Sau đó bạn có làm gì để cải thiện việc học của mình hay không?

# Tại sao nên biết về meta-learning

Nói ngắn gọn thì meta-learning giúp bạn học hiệu quả hơn. Nó giống như khi bạn mua một chiếc máy ảnh DSLR vậy. Nếu thích, bạn có thể để chế độ tự động và chỉ cấn bấm nút chụp. Khi đó chiếc máy ảnh sẽ tự động thiết lập các thông số nhằm tạo ra bức ảnh tốt nhất mà nó có thể. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu các tính năng, từng nút bấm, từng tuỳ chọn trong phần Thiết lập của máy ảnh, đồng thời hiểu được những yếu tố tạo nên một bức ảnh đẹp trong một môi trường ánh sáng nhất định, thì lúc đó bạn mới được gọi là “biết chụp ảnh”.

Tôi nghĩ hầu hết chúng ta, khi đến trường, đều để não bộ ở chế độ tự động. Thực tế là ít ai trong chúng ta được dạy về cách học, chứ đừng nói đến meta-learning. Chúng ta phải làm gì khi gặp một bài toán quá khó? Làm thế nào để ghi nhớ các sự kiện lịch sử một cách dễ dàng hơn? Nên ôn bài như thế nào là hợp lý nhất? Bạn cần làm những gì trong lớp học? Bạn phải thực hiện những bước gì sau buổi học để đảm bảo lượng kiến thức vừa tiếp nhận không bị thất thoát quá nhiều?

Những câu hỏi trên lẽ ra nên được giải quyết bằng một môn chính thức về meta-learning trong tất cả các trường học. Bên cạnh đó, khi người học ý thức được meta-learning, họ cũng sẽ hiểu rằng không có ai là ngu dốt hoặc “hết thuốc chữa”, vì ai cũng có thể học giỏi một môn bất kì khi (1) có sự kiên trì và (2) biết cách học tối ưu. Barbara Oakley, tác giả cuốn A Mind for Number (Chinh phục Toán và Khoa học) và Learning How to Learn (Học cách học), khi còn đi học vốn rất ghét Toán và các môn khoa học, nhưng sau này lại trở thành một giáo sư ngành kỹ sư. Đó là nhờ bà hiểu được cách não bộ hoạt động, đặc biệt là hai kiểu tư duy: tập trung và phân tán. Tóm lại, học là một kĩ năng, và đã là kĩ năng thì nó phải được rèn luyện. Meta-learning cần được cá nhân người học và trường học xem trọng. Như vậy sẽ có lợi cho cả đôi bên.

# Một số ví dụ về meta-learning

Hiệu ứng giãn cách (spacing effect): ôn bài giãn cách, những lần ôn bài sau cần được đẩy xa hơn về tương lai, vì thời điểm lý tưởng nhất để ôn bài là khi bạn sắp quên.

Tư duy tập trung và tư duy khuếch tán: sau khi tập trung giải một bài toán mà không có kết quả, bạn nên ngưng suy nghĩ về bài toán đó và để đầu óc được thư giãn. Lúc này, tư duy phân tán được kích hoạt, sử dụng thêm một số tài nguyên của não bộ, và khả năng là câu trả lời sẽ bất ngờ đến với bạn. Nói một cách dễ hiểu, khi bạn tập trung, bạn thường đi theo lối mòn, tức là những phương pháp bạn đã thực hiện nhiều lần trước đây. Khi bạn để đầu óc thư giãn, vấn đề sẽ vẫn được giải quyết trong bộ não cho dù bạn không ý thức về nó, và thường thì kiểu tư duy này không bị hạn chế trong lối mòn mà mở rộng và phân tán hơn nhiều.

Phương pháp Pomodoro: là một phương pháp quản lý thời gian, nhưng còn có tác dụng cho người học; phương pháp này như sau:

Pomodoro giúp học hiệu quả hơn khi chia nhỏ thời lượng học ra thành từng giai đoạn kéo dài trong 25 phút vì thường sau 25 phút chúng ta sẽ kém tập trung hơn. 5 phút nghỉ ngơi cũng như là tự thưởng, nên việc học sẽ không quá nặng nề. Chính những lúc nghỉ ngơi này cũng tạo điều kiện để tư duy phân tán được kích hoạt.

# Kết luận

Nếu là một người quan tâm đến việc học, chắc chắn bạn cũng đã rút ra được kha khá kinh nghiệm về phương pháp học (thậm chí là mẹo) qua một quá trình lâu dài. Học từ chính trải nghiệm cá nhân là một điều tuyệt vời, nhưng không lý do gì chúng ta lại không đẩy nhanh quá trình này bằng việc học từ người khác hoặc từ kết quả của nghiên cứu thực nghiệm. Biết cách học hiệu quả không chỉ để đạt điểm tốt hơn trong các kì thi hay chinh phục những môn khó. Học hiệu quả là để tránh sự căng thẳng không đáng có, đồng thời có nhiều thời gian hơn cho việc thư giãn, tương tác với gia đình, bạn bè, và khám phá những gì bạn thực sự yêu thích.


Interactive Graph