quang

Search

Search IconIcon to open search

Học tử tế

Last updated May 2020 Edit Source

Học là bước ra khỏi vùng thoải mái (comfort zone). Khi bắt đầu tập tạ, người ta dùng những quả tạ vừa sức, nhưng sau đó dần tăng sức nặng của chúng lên. Học Toán cũng vậy, trình độ chỉ có thể được nâng cao khi ta giải những bài toán khó dần, vì chúng mới thực sự đo được sự hiểu biết về những khái niệm cơ bản nhất. Học kỹ năng nào cũng vậy, muốn đạt trình độ cao hơn thì ta phải luôn xác định những điểm còn yếu để khắc phục.

Chơi đi chơi lại một bài trên piano không khiến cho ta mệt, nhưng cũng chính vì đó lại không làm ta giỏi hơn. Giải đi giải lại một vài dạng đề không làm ta tư duy toán học nhanh nhạy hơn, mà trái lại có thể làm ta tự mãn. Tập ném bóng vào rổ thì ngay cả một con khỉ cũng làm được, nhưng nếu ta không ý thức được những tư thế sai, những cử động thiếu chuẩn xác thì mãi mãi không thể nào chơi chuyên nghiệp. Chỉ khi nào dấn thân vào sự gian khổ thì ta mới thực sự lớn thêm về tinh thần và thể xác.

Trong cuốn Nguyên tắc sống và làm việc của Ray Dalio, ông viết:

Một quy tắc bất di bất dịch của tự nhiên: để mạnh hơn, ta phải bứt phá giới hạn, mà việc này thường rất gian khổ. Carl Jung đã từng nói “Con người cần có sự gian khổ vì chúng giúp cho người ta lành mạnh”… Điều này đúng, dù là ta đang nói về việc rèn luyện thân thể (như tập tạ), hay tâm trí (như sự ức chế, sự đấu tranh tinh thần, sự bối rối, sự xấu hổ), và nó càng đúng khi người ta phải đối diện với thực tại khắc nghiệt về những khuyết điểm của chính mình.

Học là niềm vui — đúng. Nhưng niềm vui đó phải xuất phát từ chính quá trình vượt qua nỗi gian truân — niềm vui đến từ nội tại. Trái lại, nếu học mà mong chờ niềm vui từ bên ngoài như phần thưởng hay những lời tán dương, ta có thể không bao giờ tới đích. Nghiên cứu cho thấy rằng những phần thưởng ngoại sinh có thể làm chúng ta mất đi động lực nội tại.

Khi bắt đầu học một ngoại ngữ, nói được một hai câu có sướng không? Sướng chứ. Và ta nghĩ là ta sẽ sướng vậy mãi. Nhưng không, hết cái sướng ban đầu đó, ta sẽ phải đổ mồ hôi, phải kiên trì, phải đương đầu với sự chán, thì mới học được ngoại ngữ đó. Chính khi cần học tử tế thì cũng là lúc người ta bỏ cuộc.

Khi ta hiểu rằng học tử tế là mệt, là quằn quại, là trằn trọc, là nhức não, là mồ hôi nước mắt, thì ta mới sẵn lòng đón nhận chúng như là một phần tất yếu, là những bước đệm để vươn cao. Sự quyết tâm của mỗi người như một ngọn lửa, nó ôm trọn chướng ngại vật và thiêu rụi chúng, rồi từ đó bùng lên mạnh mẽ hơn. Phản ứng của ta với vật cản là thứ định nghĩa con người ta. Như Marcus Aurelius, một trong năm vị hoàng đế anh minh của La Mã, từng nói: “Chính chướng ngại vật là thứ khiến ta hành động. Những gì cản bước ta cũng chính là con đường.”


Interactive Graph